Vài nét về Liên đoàn Bóng đá Việt Nam

Là một trong những môn thể thao hiện đại được du nhập vào Việt Nam sớm nhất (khoảng đầu thế kỷ 20), bóng đá nhanh chóng được đón nhận và phát triển mạnh mẽ, kể cả trong bối cảnh đất nước trải qua hai cuộc trường kỳ kháng chiến giải phóng dân tộc. Sau khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, bóng đá cũng là môn thể thao sớm có tổ chức xã hội nghề nghiệp được các tổ chức quốc tế công nhận. Hội bóng đá Việt Nam (VFA) ra đời.

Năm 1964, Việt Nam được FIFA, AFC công nhận là thành viên chính thức.

Tiền thân của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam là Hội Bóng Đá Việt Nam – Vietnam Football Association (VFA) thành lập năm 1961, do ông Hà Đăng Ấn (cựu danh thủ bóng đá – Tổng Cục trưởng Tổng Cục Đường sắt VN) làm Chủ tịch (đã mất). Phó Chủ tịch là ông Trương Tấn Bửu (cựu danh thủ bóng đá – Phó Giám đốc Trường Huấn luyện Kỹ thuật TDTT TW; đã mất). Các ông Nguyễn Huy Khôi (đã mất), Phan Nguơn Đang, Mai Xuân Phán, Nguyễn Thế Hào – là Uỷ viên Ban Chấp hành.

Năm 1989, trước tình hình mới, Ban trù bị Đại Hội Liên đoàn Bóng đá hình thành, do ông Dương Nghiệp Chí (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT) làm Trưởng ban và các ông Hoàng Vĩnh Giang (Giám đốc Sở TDTT Hà Nội), Lê Bửu (Giám đốc Sở TDTT TPHCM), Ngô Xuân Quýnh (Đại tá – Đoàn trưởng Thể Công – Quân đội), Lê Thế Thọ (Phó Vụ trưởng – Tổng cục TDTT) là Uỷ viên.

Sau 3 tháng chuẩn bị, tháng 8 năm 1989, Đại Hội Liên đoàn Bóng đá Việt Nam lần thứ nhất gồm 120 đại biểu, thay mặt cho các lực lượng và tổ chức bóng đá trong cả nước đã họp tại Hà Nội. Sau khi thông qua báo cáo về tình hình, nhiệm vụ trước mắt của bóng đá VN, Đại Hội tuyên bố thành lập Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (Vietnam Football Federation – VFF), thông qua Điều lệ Liên Đoàn và bầu Ban Chấp hành khoá I (nhiệm kỳ 4 năm) gồm 26 uỷ viên.

Hơn 30 năm hình thành và phát triển, Liên đoàn bóng đá Việt Nam đã đưa con tàu Bóng đá Việt Nam gặt hái được những thành công trên đấu trường quốc tế, góp phần giới thiệu và quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam nói chung, bóng đá Việt Nam nói riêng đến với bạn bè khu vực và quốc tế.

LIÊN ĐOÀN BÓNG ĐÁ VIỆT NAM (VIETNAM FOOTBALL FEDERATION)

Địa chỉ: Đường Lê Quang Đạo, Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội

Điện thoại: +84 -0438452480

Fax: +84 -0438233119

Email: [email protected]

Website: www.vff.org.vn

Năm thành lập: 1961

Năm gia nhập FIFA: 1964

Năm gia nhập AFC: 1964

Màu trang phục thi đấu chính thức của ĐTQG: Áo đỏ – Quần đỏ – Tất đỏ

Logo của Liên Đoàn Bóng Đá Việt Nam

Biểu trưng của LĐBĐVN
từ năm 1994 đến ngày 31/12/2008

Năm 1994, Ban Chấp hành LĐBĐVN nhiệm kỳ II tổ chức cuộc thi vẽ mẫu biểu trưng LĐBĐVN và đã nhận được 32 bài thi của hơn 20 hoạ sỹ trên cả nước đã gửi về.

LĐBĐVN đã mời các hoạ sỹ danh tiếng của Hội Mỹ thuật VN, các giảng viên Trường Mỹ thuật tham gia Ban Giám khảo và tiến hành chấm thi theo các quy định. Kết quả, mẫu của hoạ sỹ Nguyễn Ngọc Thân (Tổng cục TDTT) trúng giải Nhất, được LĐBĐVN chọn làm biểu trưng chính thức của Liên đoàn.

Biểu trưng có nền màu vàng, màu đỏ là màu cờ Tổ quốc, màu xanh ở vòng trong cùng là màu sân cỏ, tên Liên đoàn bóng đá Việt Nam được in đậm nét. Trong hình tam giác màu đỏ có cách điệu hình quả bóng đá, nó cũng gần với hình ngôi sao vàng trên nền cờ đỏ. Những nét đỏ, vàng phía bên phải có hình 3 chữ VFF (viết tắt 3 từ tiếng Anh Vietnam Football Federation).

Biểu trưng LĐBĐVN đã được FIFA, AFC, AFF và các Liên đoàn bóng đá quốc gia khác tiếp nhận.

Sau 12 năm sử dụng, Liên đoàn bóng đá Việt Nam nhận thấy cần thiết phải hoàn thiện hơn nữa Logo của Liên đoàn nhằm biểu thị đầy đủ và sinh động hơn tính chất của một tổ chức Liên đoàn quốc gia trong quá trình hội nhập với quốc tế.

 

Biểu trưng của LĐBĐVN
sử dụng từ ngày 1/5/2008

Thực hiện Quyết nghị của Ban chấp hành LĐBĐVN tại kỳ họp lần thứ 3, ngày 12 tháng 7 năm 2006, về việc tổ chức cuộc thi sáng tác biểu trưng (Logo) LĐBĐVN và kế hoạch tổ chức cuộc thi đã được phê duyệt, LĐBĐVN chính thức phát động cuộc thi sáng tác mẫu biểu trưng mới của LĐBĐVN với sự tài trợ của báo Bóng Đá kể từ ngày 21/11/2006.

Sau gần 03 tháng phát động, cuộc thi đã thu hút sự quan tâm cổ vũ nhiệt tình của đông đảo các nghệ sĩ cũng như khán giả hâm mộ. Đến ngày 04/1/2007, BTC cuộc thi đã nhận được tổng cộng 647 tác phẩm dự thi và ngày /6/1/2007, Hội đồng giám khảo (gồm đại diện Hội nghệ sỹ tạo hình Việt Nam, Hội đồng nghệ thuật Hội nghệ sỹ tạo hình Việt Nam, giảng viên trường Đại học mỹ thuật công nghiệp Việt Nam, Vụ pháp chế UBTDTT…) đã triển khai chấm thi và lựa chọn được 10 tác phẩm xuất sắc vào vòng chung khảo. Trong số 10 tác phẩm xuất sắc lọt vào chung khảo, Hội đồng giám khảo tiếp tục lựa chọn ra 3 tác phẩm nổi bật nhất dành cho vòng chung kết.

3 tác phẩm vào chung kết đã được báo cáo tại Đại hội thường niên lần thứ 1 năm 2007 của Liên đoàn bóng đá Việt Nam và tại Đại hội thường niên lần thứ 2 năm 2007, các đại biểu đã chính thức thông qua việc lựa chọn tác phẩm dự thi của tác giả Nguyễn Công Quang là tác phẩm đoạt giải Nhất cuộc thi sáng tác biểu trưng LĐBĐVN.

Biểu trưng lấy hình ảnh cờ Tổ quốc Việt Nam nền đỏ sao vàng trong thế phát triển vút cao hội nhập, tôn vinh các giá trị của bóng đá Việt Nam trong quá trình hình thành phát triển và khẳng định đáp ứng thịnh tình của người hâm mộ trong nước, bạn bè quốc tế và các tổ chức bóng đá quốc tế biết thêm về bóng đá Việt Nam.

Ngày 28/4/2008, Ban chấp hành LĐBĐVN đã chính thức ra quyết định công bố sử dụng biểu trưng (logo) mới của LĐBĐVN trong mọi giao dịch có liên quan từ ngày 01/5/2008. Việc sử dụng biểu trưng cũ kết thúc vào ngày 31/12/2008.

Biểu trưng là tài sản thuộc quyền sở hữu của LĐBĐVN. Việc sử dụng biểu trưng vào mục đích thương mại, quảng cáo đều phải được sự đồng ý bằng văn bản của LĐBĐVN.

Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam

Ông Trần Quốc Tuấn sinh ngày 5/1/1971 tại Tây Sơn, Bình Định.

  • Từ năm 2001: Phó Ban Thi đấu của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam.
  • Từ tháng 6/2005 đến tháng 02/2012: Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng đá Việt Nam.
  • Từ năm 2011 đến năm 2015: Ủy viên thường vụ Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC).
  • Từ tháng 3/2014 đến tháng 12/2018: Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam.
  • Từ năm 2017 đến nay: Ủy viên thường vụ Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC), Trưởng Ban thi đấu Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC).
  • Từ tháng 12/2018 đến tháng 01/2022: Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam.
  • Từ tháng 01/2022 đến tháng 11/2022: Quyền Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam.
  • Từ ngày 6/11/2022 đến nay: Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam khóa IX (nhiệm kỳ 2022- 2026)